Lịch Sử Thánh Tượng NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH

Lá Thư Quản Nhiệm

LỊCH SỬ THÁNH TƯỢNG « NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH »
CỦA CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO BRUXELLES


Kính thưa quý Bác
và quý Anh Chị Em trong Cộng Đoàn thân mến,

Hình ảnh thánh tượng Nữ Vương Hoà Bình đã trở nên rất quen thuộc, gần gũi và gắn liền với Cộng Đoàn chúng ta : hàng tháng trên trang bìa các số Báo Liên Lạc, trên Entête mọi văn thư Cộng Đoàn, nơi các tài liệu xử dụng trong sinh hoạt của mọi Ban-Nhóm, nhất là chính Thánh Tượng hàng năm được cả Cộng Đoàn trọng thể cung nghinh và tôn kính trong ngày lễ Bổn Mạng, thân gần đến nỗi hễ nhìn thấy Hình Ảnh này thì nhận ra liền đó là Cộng Đoàn Bruxelles. Thật vậy, đàng sau một hình ảnh là cả một Cộng Đoàn Giáo Hội những người gốc VN đang sống tại thủ đô Vường quốc Bỉ.

Nhiều người đã đặt câu hỏi về nguồn gốc và xuất xứ của thánh tượng Nữ Vương Hoà Binh này.

Khi Tổng Giáo Phận bước vào Đại Năm Thánh 2000 và Thiên Niên Kỷ thứ III với nhiều sinh hoạt khác nhau, Đức Ông Lode Vermeir, trong phiên họp đầu năm chung với các linh mục tuyên uý CĐ, đã công bố tin vui quyết định của Bề trên Địa Phận chính thức nhìn nhận Cộng Đoàn VN là một thực thể mục vụ của TGP như một Mission và đã chọn cho Cộng Đoàn VN Thánh Mẫu Maria làm Quan Thầy dưới tước hiệu Nữ Vương Hoà Bình.

Ngài còn giải thích thêm, trong phiên họp của Conseil Episcopal, nhiều vị Quan Thầy và Tước Hiệu cũng đã được đề nghị, nhưng các vị hiện diện đã đồng lòng nhất trí dừng lại ở sự chọn lựa này, mà theo ngài thuật lại, chỉ vì hai lý do đơn giản. Thứ nhất vì truyền thống sùng kính Mẹ Maria của người tín hữu Việt Nam, thứ hai, sau bao năm từng phải trải qua biết bao tang thương của chiến tranh, bom đạn, chết chóc…, thì ở nơi quê hương thứ hai này, Bề Trên mong ước Cộng Đoàn Bruxelles này sẽ là bến bờ bình an cho mọi người.
Cũng trong buổi họp đó, Đức Ông Lode còn gợi ý đề nghị việc chọn lựa thời điểm Mừng Lễ Bổn Mạng hàng năm, việc chuẩn bị soạn thảo Kinh Tận Hiến (Acte de Consécration) phía Cộng Đoàn để được Bề Trên phê chuẩn, việc tổ chức lễ công bố Quyết Định Thành Lập (Bulle de Promulgation) của Địa Phận, việc chọn Ảnh Tượng làm « huy hiệu » (Effigie) theo như truyền thống trong Giáo Hội. Ngày 20 tháng 5 năm 2000 đã được ấn định cho các biến cố trên và mọi chuẩn bị đã được khởi sự, nhưng khó nhất vẫn là việc chọn Effigie cho Cộng Đoàn.

Rồi như một sự quan phòng nhiệm lạ, chỉ vài tuần sau đó, sau một Thánh Lễ Chúa Nhật tại giáo xứ cũ của tôi, tình cờ một bà trọng tuổi đã đến chào và tự giới thiệu thuộc giáo xứ bên cạnh. Bà trao cho tôi mảnh giấy nhỏ có ghi địa chỉ và mời tôi khi có dịp ghé thăm « bảo tàng viện Đức Mẹ » của bà. Nghĩ đến Cộng Đoàn, tôi đã đến thăm bà không lâu sau đó và quá đỗi ngạc nhiên khám phá một số lượng quá lớn các tượng Đức Mẹ đủ cỡ kích thước bà đang sở hữu, được chất kín ngăn nắp san sát nhau trong căn phòng rộng lớn mà theo bà, tổng cộng có trên 1500 bức tượng, đến từ khắp nơi trên thế giới, một công trình sưu tập suốt cả một đời của người cha quá cố để lại và của chính bà.

Trước khi chia tay, tôi ngỏ ý với bà muốn được xem một bức tượng Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình, mà cho đến lúc đó tôi chưa hề có ý niệm gì về mẫu hình. Vừa nghe, bà lách mình len lỏi giữa rừng tượng, tiến sát đến 1 bức có chiều cao trung bình, đang được đặt trên giá sát tường, đứng giữa một số tượng khác, rồi thao thao cất lời giới thiệu, như thể bà nắm vững ngọn nguồn của từng bức :

« Đây là một trong những tượng Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình mà tôi đang có. Cũng như các tượng được để riêng trên giá, là vì bức tượng này có một lịch sử rất đặc biệt. Tượng này do cha tôi thỉnh về từ một giáo xứ trong vùng núi Ardenne trong những năm 60 (của thế kỷ trước). Không ai biết rõ lai lịch của bức tượng, chỉ được biết tượng đã được đặt trong một ngôi nhà nguyện nhỏ rất cổ kính, được xây riêng để làm nơi hành hương cho giáo dân trong vùng. Trước chiến tranh, hàng năm vẫn có các cuộc rước kiệu trọng thể cho toàn vùng núi cao này. Khi chiến tranh xảy ra với trận chiến Ardenne nổi tiếng, nhà nguyện bị phá tan tành, nhưng bức tượng bị chôn vùi dưới đống gạch vụn thì vẫn nguyên vẹn không hề bị sây sứt. Cảm kích trước hiện tượng lạ lùng, cha sở giáo xứ đương thời đã cho xây thêm một toà Đức Mẹ thứ hai trong nhà thờ để tôn kính. Vài chục năm sau, cha sở mới trùng tu nhà thờ và quyết định chỉ giữ lại 1 Toà Đức Mẹ mà thôi, Toà cũ… ».

Trong khi bà giải thích, lòng tôi bị đánh động về lịch sử bức tượng đã đành, mà nhất là vì nét hiền hoà nhân ái nơi khuôn mặt người mẹ và sự an bình dịu dàng của người con nép thân vào ngực mẹ, toát ra sợi dây thiêng liên của tình mẫu tử. Trong tôi dậy lên niềm mơ ước… Khi bà trở ra, tôi có đôi lời giải thích lý do, rồi ngỏ ý muốn được mua lại chính bức tượng đó cho Cộng Đoàn. Bà lắc đầu từ chối, nhưng lại hẹn tôi trở lại với đề nghị biết đâu có thể sẽ tìm được cho tôi bức tượng Nữ Vương Hoà Bình khác.

Một thời gian sau tôi trở lại, nhưng lần này cùng đi với anh Phạm Thanh Nghị là thư ký Cộng Đoàn lúc đó, cũng đồng thời là chuyên viên về các tranh ảnh nghệ thuật cổ. Khi chúng tôi tới nơi, bà vồn vã tiếp đón và dẫn chúng tôi thẳng đến chính bức tượng trước đây, đã được để riêng, rồi cung kính ẵm bằng cả hai tay trao cho tôi và nói : Tôi kính biếu Cộng Đoàn Việt Nam. Đức Mẹ đã muốn thế !

Rời bà, anh Nghị đã đưa bức tượng thẳng về nhà, gấp rút khôi phục lại màu sắc và tình trạng nguyên thủy để kịp cho biến cố trọng đại gần kề là Lễ Mừng Bổn Mạng lần đầu tiên của Cộng Đoàn do vị đại diện Bề Trên Tổng Giáo Phận là Đức Ông Lode Vermeir đến chủ sự. Trước mọi nghi thức và mọi công bố các Quyết Định, Đức Ông đã long trọng Làm Phép bức tượng trong tâm tình tạ ơn Chúa và niềm hân hoan vui mừng của các linh mục và đông đảo Cộng Đoàn hiện diện, được bày tỏ cách đặc biệt bằng cuộc rước Kiệu Cung Nghinh Thánh Tượng Nữ Vương Hoà Bình thật long trọng ngay sau đó.

Từ đó Thánh Tượng là của Cộng Đoàn, Nữ Vương Hoà Bình là Mẹ Quan Thầy của Cộng Đoàn và cũng từ đó hàng năm con cái Mẹ quây quần về trong dịp Lễ Bổn Mạng, nép thân tận hiến Cộng Đoàn và tận hiến cả cuộc đời mình cho Mẹ.

Lm FX. Nguyễn Xuyên