THƯ THÔNG BÁO GHI DANH THAM DỰ CÁC LỚP GIÁO LÝ XƯNG TỘI + RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU – THÊM SỨC

LỚP GIÁO LÝ XƯNG TỘI + RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU - THÊM SỨC
D:\SINH HOAT GIOI TRE\tài liệu\chd_logo.jpg

Kính thưa quý phụ huynh,

Vì tình hình dịch bệnh trầm trọng, các sinh hoạt của Ban Thiếu Nhi & Giới Trẻ đã bị đình chỉ trong Năm Mục Vụ 2020-2021 vừa qua, các lớp Giáo Lý Cơ Bản để lãnh nhận các Bí Tích Xưng Tội, Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức theo Luật Buộc cũng vì thế mà bị gián đoạn. Hoàn cảnh ngoài ý muốn này dẫn tình trạng có nhiều con em trong Cộng Đoàn dù đã đến tuổi, nhưng vẫn chưa được lãnh nhận các Bí Tích trên.

Nay tình trạng đã thay đổi và hoàn cảnh đã cho phép, Ban Huynh Trưởng/CĐ kính mời quý phụ huynh lưu tâm việc GHI DANH THAM DỰ CÁC LỚP GIÁO LÝ CƠ BẢN cho con em mình :

Thời hạn ghi danh : Tháng 09/2021

Cách ghi danh : Xin điền vào Mẫu Phiếu Ghi Danh và trao lại cho các Huynh Trưởng.

Khai mạc Niên khoá : Trong tháng 10/2021

Nơi học Giáo Lý : Tại các Phòng Họp trong khuôn viên nhà thờ CĐ.

Mọi chi tiết khác liên quan đến Năm Học (lịch trình, chương trình…) sẽ được Ban Huynh Trưởng trực tiếp thông báo riêng sau khi nhận được Mẫu Phiếu Ghi Danh đính kèm.

Liên lạc :

– Anh Nguyễn Phi Long (0474 95 27 99 – philong.nguyen@telenet.be)
– Chị Lê Phương-Uyên (0473 36 09 79 – lepuyen82@yahoo.com)

Tm. Ban Sinh Hoạt TN & GT
Giuse Nguyễn Phi Long

THƯ MỜI THAM DỰ Ngày Hành Hương kính Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

DÒNG KÍN BOUSSU
Rue Adolphe Mahieu, 89
7300 Boussu

Boussu 30.08.2021

THƯ MỜI THAM DỰ

Ngày Hành Hương kính Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.


‘Lạy Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu,
xin mưa hoa hồng xuống trên chúng con.’

Kính thưa quý Cha, quý Sơ,

Quý Ông Bà và Anh Chị Em kính mến,

Từ nhiều năm qua, ngày lễ mừng kính Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu hằng năm vào đầu tháng 10, đã trở nên một Ngày Hành Hương truyền thống cho tất cả các Cộng Đoàn Công Giáo Việt nam tại Vương Quốc Bỉ và nhiều nước lân cận.

Vì đại dịch Covid-19, năm ngoái 2020, chúng ta không thể tổ chức được ngày hành hương. Nhờ ơn Chúa và lời chuyển cầu của Thánh Têrêsa, năm nay chúng ta tiếp tục truyền thống tốt đẹp này.

Đan Viện Boussu chúng con kính mời quý Cha, quý Sơ, quý Ông Bà Anh Chị Em tham dự ngày Hành Hương kính Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu năm 2021 theo chương trình :

Thời gian: Ngày thứ bảy 02 tháng 10 năm 2021.

Địa điểm : Ðan viện Carmel, 89 Rue Adolphe Mahieu. BOUSSU

Chương trình tổng quát:

  • 11 giờ 00 : Đón tiếp – Cơm trưa tự túc
  • 13 giờ 00 : Chầu Thánh Thể. Nhận Bí Tích Hòa giải
  • 14 giờ 30 : Tập hát
  • 15 giờ 00 : Thánh Lễ Đồng Tế do Lm. F.X. NGUYỄN XUYÊN chủ tể và giảng lễ
  • 16 giờ 30 : Giải khát, chào thăm các Soeurs.
  • 17 giờ 00 : Chia tay

Trong niềm hân hoan được đón tiếp Quý Cha, quý Sơ và quý Cộng đoàn dân Chúa trong ngày Hành Hương kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu để cùng với Cộng đoàn Đan Viện Boussu chúng con nguyện xin Thiên Chúa Tính yêu qua lời chuyển cầu của Thánh Têrêsa ban cho tất cả chúng ta nhiều ơn lành trong đời sống hằng ngày và cho cơn dịch chóng qua đặc biệt ở Việt Nam của chúng ta.

Chúng con trân trọng kính mời.

Chị Em Dòng Kín Boussu

HÂN HOAN CHÚC MỪNG LỄ NGỌC 60 NĂM KHẤN DÒNG Phnom-Penh 1961 – Boussu 2021

HÂN HOAN CHÚC MỪNG LỄ NGỌC 60 NĂM KHẤN DÒNG
Phnom-Penh 1961 – Boussu 2021

Résultat d’image pour une rose. Taille: 90 x 106. Source: fr.depositphotos.com

Vào ngày lễ Đức Mẹ Núi Camêlô 16/07/2021 vừa qua, cộng đoàn Nữ Tu Dòng Kín Boussu đã long trọng tổ chức mừng Lễ Sinh Nhật 60 năm Khấn Dòng cho Sœur Marie-Lucie de Saint Joseph Lưu Thị Đáng, quen gọi là Mẹ Lucie, là nữ tu của Dòng ngay từ buổi ban đầu trên đất Bỉ hơn 46 năm trước và là Mẹ Bề Trên Đan Viện trong nhiều nhiệm kỳ.

Dù hoàn cảnh phải giới hạn, nhưng trong dịp trọng đại lễ đó, nhiều thân nhân gia đình, nhiều bằng hữu và nhiều Linh mục Tu sĩ từ khắp nơi đã quây quần vể Nhà Kín Boussu bên Sơ Lucie dâng Thánh Lễ Tạ Ơn mừng Ngọc Khánh 60 Năm Khấn Dòng trong bầu khí thánh thiện, thân tình và đầy tâm tình tạ ơn. Những tâm tình này sẽ còn được các Cộng đoàn CGVN tại Bỉ thể hiện cách đặc biệt trong ngày Hành Hương hàng năm kính Thánh Nữ Têrêxa 02/10/2021 sắp tới tại Boussu.

Cộng Đoàn Nữ Vương Hoà Bình tại Bruxelles hân hoan chia vui, chúc mừng và tạ ơn Chúa với Mẹ Lucie về chặng đường dài “gần như Trọn Đời” trung tín Mẹ Lucie đã thể hiện trong đời sống Chiêm niệm Cầu nguyện, trong sự phục vụ Giáo Hội và sự gần gũi mọi người, cách riêng những người Việt Nam xa quê.

LỜI CUỐI CHO CÁC SƠ …

Xin Chúa thưởng công bội hậu cho các Ngài

Có lẽ trong Giáo sử Việt Nam, chưa có khi nào xẩy ra số lượng các Sơ lây nhiễm và tử vong vì đại dịch nhiều như vậy. Cụ thể có một Nhà Dòng ,  số tổn thất nhiều đến thế, điển hình như dòng Đa Minh Phú Cường với 12 Sơ đã an nghỉ, chưa nói đến quý Sơ các dòng khác cũng nằm xuống vì phục vụ các bệnh nhân cúm Vũ-Hán , và kể cả các sơ chỉ quanh quẩn, kinh nguyện và làm việc trong khuôn viên nhà dòng, cũng bị lây nhiễm, thậm chí qua đời.
 
   Có nhiều khi tôi bất mãn trước những bất công của xã hội, trước  sự độc đoán khinh mạn của các quan chức, những viên chức hách dịch, coi thường kỷ cương, xúc xiểm nhân viên y tế, bảo vệ… và cả nữ đại gia cực giàu, nhưng lại ăn nói láo xược, vu vạ, tục tĩu. 
   Nhưng khi nhìn những hình ảnh các  Sơ đang ở đầu tuyến, niềm nở phục vụ và an ủi các bệnh nhân tuyệt vọng, đang làm cửu vạn khiêng vác hàng tấn rau củ quả mỗi ngày, trên đôi vai gầy mà cám cảnh thương mến vô hạn.
 
   Có lần tôi kể về một nữ tu đang đối mặt với thần chết vì lây nhiễm, các Sơ đã yêu cầu tôi gỡ xuống vì không muốn thông tin làm chùng lòng những tình nguyện viên khác, ngược với tôn chỉ của Nhà Dòng. 
 
   Vậy đó, các Sơ của chúng ta là vậy đó. Họ gia nhập dòng lặng lẽ, tu học lặng lẽ, khấn tạm và cả  khấn trọn đời  lặng lẽ, phụng sự Thiên Chúa lặng lẽ, phục vụ nhân loại lặng lẽ, suốt đời vâng lời bề trên lặng lẽ, và khi tàn hơi, được Chúa gọi về cũng lặng lẽ…
 
   Ai ai trong chúng ta, thời niên thiếu đều được các Sơ khai tâm, dạy dỗ. Tôi còn nhớ mãi hai dì phước đầu đời ở nhà thờ Phường Đúc, Huế : Sơ Tuyết cao, sơ Sơn thấp, cả hai thuộc hội dòng MTG. , đã uốn nắn tuổi thơ tôi từ lúc mới chập chửng trí khôn, tôi nhớ mãi hình ảnh cảnh trái ngược giữa thiên đàng và hoả ngục, các Sơ dẫn giải để đe cho tôi chọn lựa…tôi nhớ mãi ngày ba tôi vào lớp nhất( lớp một bi chừ), xin phép cho tôi được nghỉ học để đổi nhà lên Huế, lúc đó tôi bị phạt quỳ giữa lớp, vì tội dám dí cây đèn cầy vào đầu của đứa nào đó, làm cho một mảng tóc bị xém vì hắn dám chê đôi ba ta quá khổ, mà tôi mang trong lễ Rước Mình Thánh Chúa. Gần 60 năm đã qua mà vẫn còn nhớ mãi thiên thu. Sau đó, suốt thời kỳ tiểu học, lại được các Sơ đứng lớp dạy học tận tụy tại trường Bình Linh ( Pellerin)
 
   Rồi khi vào chủng viện, lại được các o MTG phục vụ tận lực, ngày đó các chú hay gọi các Sơ bằng cái tên rất Huế (O) chúng tôi được các o chăm chút phục vụ ẩm thực gần suốt 10 năm, bi chừ chỉ còn lại o Diệp 96 tuổi, mà cách đây 5 tháng, trước mùa dịch lần 4, tôi đã may mắn gặp lại tại Huế, e là lần cuối cùng. Rồi từng o lần lượt lặng lẽ từ giả cõi đời mà chúng tôi không hề hay biết… 
   Năm ngoái, trong mùa mưa lũ, tôi được may mắn tá túc dưới mái nhà Đại Chủng Viện , lại được quý Sơ ở đây chăm sóc tận tuỵ như thành viên trong nhà, mỗi khi đi đâu về trong trời mưa lạnh lẽo, tôi được tặng ngay chiếc bánh tráng vừa nướng xong, nóng hổi và thơm phức, hoặc tới giờ cơm, không thấy chúng tôi, là các Sơ gọi điện thoại, hối thúc mau cho kịp, có khi còn trước cả bề trên…Chỉ là những cử chỉ lặng lẽ, nhưng để lại những cảm xúc mênh mang, vô bờ.
 
   Gần cuối cuộc đời, tôi mới nghiệm ra các Sơ chính là mẹ, là chị, là em, là con cháu…đã hết lòng với mình. Cho nên, khi nhìn thấy các Sơ đã ra đi âm thầm, lặng lẽ  hay đang lâm chung cũng lặng lẽ, âm thầm…khiến cho tôi xúc động và cảm thương vô cùng…
 
   Tới một ngày, rồi cũng chào từ biệt để đi vào một cõi vô hình. Khi đó, chắc chằn tôi sẽ được các bàn tay của quý Sơ lại dẫn dắt như ngày xưa đã từng dẫn dắt, nhưng lần này lại được dẫn dắt ra trình diện với Chúa, chứ không phải các giáo sĩ, vì các ngài đang còn bận bịu, loay hoay tự lo cho mình …
 
   Đâu phải làm chuyện vá biển lấp trời mới là vĩ đại, mà chính là làm các việc nhỏ mọn, âm thầm và lặng lẽ với lòng yêu Chúa, yêu người trong vâng phục, khiêm hạ…mới là vĩ đại.
 
   Cùng hiệp ý cầu nguyện cho các Sơ đã ngàn thu yên nghỉ, và cả các Sơ đang lây nhiễm, nằm chờ chữa lành hoặc chờ chết trong các bệnh viện hay trong các Nhà Dòng.
Xin Chúa thưởng công bội hậu cho các Ngài.
 
   Saigon giữa mùa phong thành đầu tháng 9.2021
   Mic. Nguyễn Hùng Dũng

MƠ VỀ CƠN ĐẠI DỊCH QUA ĐI

Bị con virus corona đe doạ, con người phải sống một cuộc sống giam mình trong căn nhà, không thể tụ họp bạn bè, không thể giao tiếp thoải mái, lúc nào cũng trong trạng thái phòng thủ, lo sợ, công ăn việc làm bị trì trệ, mọi sinh hoạt bị ảnh hưởng… Hẳn là nhiều lúc chúng ta thấy khó chịu, bứt bối trong lòng. Cũng như bao người khác, tôi mong là cơn dịch này sẽ sớm qua đi, trả lại sự bình yên cho nhân loại. Tôi chẳng biết đến khi nào nhân loại chúng ta mới được thụ hưởng niềm vui ấy, nhưng nếu được phép nghĩ về ngày đó, tôi mơ tưởng thế này:


Con người chúng ta sẽ sống một cuộc sống có ý thức và trách nhiệm hơn với môi trường chung quanh. Con người và thiên nhiên có mối liên hệ sống còn với nhau. Chỉ vì nghĩ đến những lợi ích của bản thân, bao năm qua con người đã tàn phá thiên nhiên rất nhiều, làm mất đi hệ cân bằng sinh thái. Thật ra, chẳng có thiên nhiên nào báo thù con người, nhưng là chính con người tự huỷ diệt mình thôi. Tôi mơ về một thế giới sau dịch bệnh này sẽ có ít cây xanh bị chặt phá, nhưng nhiều cánh rừng sẽ mọc lên, nguồn nước giảm đi sự ô nhiễm. Con người cũng biết cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, tạo sự thân thiện với môi trường. Hai bên chan hoà và che chở cho nhau.


Con người sau cơn đại dịch Covid chắc sẽ biết quý trọng hơn những gì mình đang có, dù đó có khi chỉ là những điều rất bình thường nhỏ nhặt như từng hơi thở, thức ăn tươi sạch, chiếc khẩu trang hay viên thuốc Vitamin C để tăng đề kháng. Có nhiều điều Tạo Hoá ban cho, ta cứ ngỡ nó là hiển nhiên nên chẳng mấy khi quan tâm và tỏ lòng tri ân cảm tạ. Nhìn những bệnh nhân Covid gồng mình và cần sự trợ giúp của những chiếc máy to lớn chỉ để thở, ta bỗng nhận ra việc mình còn có thể hít thở cách tự nhiên, dễ dàng, không cần cố gắng gì là cả một quà tặng lớn lao. Nếu con người luôn sống trong sự biết ơn, chắc là sẽ giảm đi rất nhiều những hờ hững. Họ sẽ sống chậm lại, có chiều sâu hơn, bớt than phiền và nghiệm được một hạnh phúc vô bờ bến vì thấy mình được yêu thương quá đỗi.


Sau cơn đại dịch này, tôi nghĩ rằng con người chúng ta sẽ nhận ra được sự quý giá của người thân và những ai sống bên cạnh. Covid đã cho ta thấy việc chúng ta có thể sống mà không cần ra ngoài là điều có thể làm được. Đã có những tình cảnh đau buồn trong thời gian đen tối này: người thân bị phát hiện dương tính, nhập viện rồi ra đi bất thình lình, ta chẳng kịp nói lời an ủi hay từ biệt, sẽ chẳng bao giờ còn được nghe lời họ nói, thấy khuôn mặt họ. Covid buộc chúng ta phải ở nhà, cách nào đó, cũng là để ta tập lại thói quen tận hưởng niềm hạnh phúc khi ở với người thân. Bao nhiêu năm qua, những đòi hỏi của mưu sinh đã khiến người ta coi nhẹ các mối tương quan tình cảm gia đình và bằng hữu. Giờ đây, mong là sau biến cố dịch bệnh này, con người sẽ nhận ra rằng có thể nói chuyện tự nhiên, ngồi gần nhau, ôm và hôn nhau là điều thật quý giá và hạnh phúc; từ đó họ cũng sẽ biết sắp xếp thời gian, dành ưu tiên cho những gì là thiết yếu nhất của cuộc sống.


Kinh nghiệm về những ngày cách ly, dù là trong khu vực quy định hay ở nhà, cũng sẽ làm cho người ta quý trọng hơn sự tự do mà mình đang tận hưởng. Tự do là món quà quý giá nhất Tạo Hoá ban cho con người. Nhưng nhiều lúc con người chỉ lợi dụng nó chứ không biết tận hưởng nó. Sau khoảng thời gian đại dịch này, tôi mơ về một xã hội, nơi con người biết cách dùng tự do của mình sao cho hữu ích và ý nghĩa hơn.


Đặc biệt, chắc chắn là sau cơn đại dịch, con người chúng ta sẽ cảm nhận cách sâu xa rằng trong tất cả mọi sự, tình con người là cái thiêng liêng và có sức mạnh vĩ đại nhất. Chữ “tình” vẫn còn tồn tại giữa sự hoành hành của sự dữ. Thời gian vừa rồi, ngang qua những sáng kiến tông đồ và từ thiện, ta thấy vẫn còn nhiều đoá sen tươi đẹp và ngát hương hiện diện quanh mình. Sống trọn chữ “tình” là sống nhân phẩm làm người cách hoàn hảo nhất. Nó làm cho con người nên cao quý. Nó làm cho hình ảnh Thiên Đàng được hiển hiện ngay ở đời tạm này. Con người chắc sẽ tiếp tục làm cho cái căn cốt nhất đó của mình được lớn lên thêm, xuất phát từ niềm tin rằng một khi con người biết nắm lấy tay nhau, chẳng một sự dữ nào có thể làm khó họ.


Riêng đối với người Công Giáo,

Tôi hạnh phúc mơ tưởng đến những giờ kinh gia đình, khi mọi thành viên trong nhà quy tụ bên nhau trước bàn thờ, cùng nhau cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa (mà bây giờ, họ đang thực thi điều này). Chẳng cần phải đến đất thánh hay hành hương ở những nơi xa xôi mới được gọi là đạo đức. Người ta có thể gặp được Chúa ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có “hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy” là đủ rồi.


Tôi phấn khởi mơ về những thánh lễ đầy ắp giáo dân tham dự với tất cả lòng sốt sắng và hăm hở. Sau một thời gian tạm thời ngưng các hoạt động tôn giáo công cộng, hy vọng các tín hữu sẽ bắt đầu nhớ và thèm khát những buổi quy tụ cộng đoàn bên bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa. Họ sẽ đến nhà thờ vì lòng khao khát chứ không phải vì ép buộc. Người ta hớn hở gặp Chúa và gặp nhau trong tình huynh đệ. Họ sẽ đến nhà thờ sớm hơn hoặc ít là đúng giờ, ăn mặc tươm tất hơn, đi vào bên trong, tiến lên khu vực gần cung thánh để tận hưởng bầu khí thiêng liêng và lãnh nhận ân sủng của Chúa. Họ sẽ chăm chú lắng nghe Lời Chúa dạy, kính cẩn rước Chúa vào lòng, nghiệm thấy nơi đó nguồn sức sống bồi dưỡng tâm linh. Đời sống đạo của Giáo hội, từ các giáo xứ đến các dòng tu sẽ trở nên sống động và đổi mới hơn bao giờ hết.


Các vị chủ chăn và linh mục cũng ý thức hơn về ơn gọi và vị trí phục vụ của mình trong Giáo Hội.  Việc phải dâng lễ đơn độc, không có sự hiện diện của giáo dân có lẽ đã dạy họ bài học thấm thía nào đó. Họ sẽ cảm thấy quý giá hơn khi có giáo dân cùng ở bên mình để dâng lễ. Họ sẽ bớt chửi bới, trách móc nhưng khích lệ và động viên con chiên hơn. Những bài giảng sẽ được chuẩn bị chu đáo hơn, ngắn gọn, xúc tích nhưng đủ để hướng dẫn đời sống giáo dân. Họ sẽ cử hành thánh lễ và các bí tích cách sốt sắng hơn, chứ không máy móc, kỹ thuật hay làm cho xong. Họ sẽ bớt trịnh thượng, bớt nghĩ mình quan trọng, bớt tự xếp mình ở trên người khác. Họ ý thức được rằng không có giáo dân, họ rất đơn độc; họ cần giáo dân để mình được là linh mục, người phục vụ cho Nước Chúa.


Và còn nhiều sự mường tượng khác về một thế giới ngày không còn đại dịch… Không biết những giấc mơ của tôi có thành hiện thực không. Tôi mơ cho nhân loại, nhưng cũng là mơ cho chính mình, rằng bản thân cũng sống sự hoán cải triệt để hơn và mỗi ngày được biến đổi nên tốt hơn ngang qua những sự thanh luyện Chúa gửi đến.

 

Còn bạn, bạn mơ ước thế giới chúng ta sau cơn đại dịch này sẽ như thế nào?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ